Những ai sử dụng mạng xã hội hoặc có thói quen đọc báo điện tử hẳn thường xuyên bắt gặp tiêu đề giật tít. Loại tiêu đề này có thể xuất hiện trong những bài báo, những bài đăng của các Fanpage hay bài quảng cáo của nhiều cửa hàng, nhãn hàng. Giật tít rõ ràng gây chú ý khá tốt, vậy sao vẫn còn nhiều người bài xích?
Phân biệt tiêu đề giật tít và tiêu đề hấp dẫn
Tiêu đề là yếu tố khiến người xem dừng lại ở bài đăng, quảng cáo của bạn và click vào xem thêm, vì vậy tiêu đề ấn tượng luôn là điều được chú trọng hơn cả trong một bài viết quảng cáo. Song cũng vì thế mà nhiều người đã nhầm lẫn và lạm dụng tiêu đề giật tít.
Tiêu đề giật tít khác với tiêu đề hấp dẫn. Một tựa bài giật tít thường sử dụng những từ ngữ thu hút tầm mắt người xem như “cảnh báo”, “hé lộ”, “lật tẩy”,… Tuy nhiên sau đó khi click vào đọc, người ta sẽ thấy nội dung bài viết không hề nghiêm trọng như tựa đề, thậm chí còn thấy phản cảm khi đây là một bài quảng cáo. Thủ thuật viết này có thể được áp dụng nếu quảng cáo của bạn có mục đích là câu tương tác.
Ngược lại, tiêu đề hấp dẫn phô bày những tính năng nổi bật của sản phẩm, dịch vụ hoặc những lợi ích mà người mua hàng sẽ nhận được khi mua sản phẩm. Loại tiêu đề này thường đi với những thủ thuật gieo vần, chơi chữ, bắt trend,…
Có thể thấy điểm khác biệt chính của cả hai là cách sử dụng ngôn từ và cách diễn đạt. Tiêu đề giật tít dùng từ ngữ “lố”, phóng đại còn tiêu đề hấp dẫn dùng những từ ngữ chỉ tính năng nổi bật của sản phẩm/ dịch vụ, hoặc tận dụng cách gieo vần trong câu.
Có nên giật tít?
Tiêu đề giật tít thu hút người xem rất tốt, bởi cơ bản những từ ngữ thường xuất hiện trong tiêu đề này đã có ảnh hưởng nhất định đến sự tò mò của người xem. Tuy nhiên nếu xét trên việc có đem lại hiệu quả tiếp thị, quảng cáo hay không, tiêu đề giật tít khá giống con dao hai lưỡi.
Trong trường hợp sản phẩm của bạn chất lượng, cách viết của bạn “sốc” nhưng ấn tượng và thú vị, việc giật tít giúp tăng tỷ lệ nhấp chuột vào quảng cáo và phần nào tăng tỷ lệ chuyển đổi. Ở chiều ngược lại, tiêu đề giật tít khiến đa phần người xem cảm thấy phản cảm, nhất là khi thủ thuật này bị lạm dụng quá nhiều.
Thử tưởng tượng khi đâu đâu cũng có tiêu đề sốc, ai sẽ còn quan tâm đến từng bài viết nữa? Bên cạnh việc dễ bão hòa, các bài quảng cáo giật tít không đem lại hiệu quả khi bạn không truyền tải thông điệp tiếp thị một cách khéo léo. Mỗi lần click chuột vào bài viết, người ta mong đợi được đọc những thông tin quan trọng theo đúng tinh thần của tít sốc ở trên. Khi không nhận được nội dung như mong đợi, tất nhiên người đọc nảy sinh tâm lý chán ghét, bài xích.
Thêm vào đó, việc thành thật với khách hàng là cách tốt nhất để tiếp cận và thuyết phục họ mua hàng, chứ không phải là tiêu đề giật tít. Chưa kể bạn không thể áp dụng cách viết quảng cáo này với một số dòng sản phẩm cao cấp hay sản phẩm cho đối tượng khách hàng đặc biệt.
Khi bạn viết tiêu đề bằng từ ngữ gây sốc, giật gân hay cách diễn đạt mập mờ, đối tượng người xem mà bạn thu hút được cũng sẽ chỉ quan tâm đến những nội dung giật gây và gây sốc. Nếu phần nội dung chính của quảng cáo không đủ hấp dẫn đủ để giữ chân người xem, họ sẽ bỏ đi và dẫn đến quảng cáo không hiệu quả.
Giật tít có cái lợi, cũng có hại. Nếu bạn sử dụng thủ thuật để tạo tiêu đề giật tít, hãy sáng tạo tiêu đề đủ hấp dẫn mà không phản cảm. Theo dõi Truyền thông TMS để tìm hiểu thêm thông tin về lĩnh vực này nhé!
Xem thêm:
Hướng dẫn phân biệt marketing sản phẩm và dịch vụ đơn giản nhất