Lựa chọn điểm bán quan trọng như thế nào?
Nếu bạn kinh doanh bán lẻ chắc bạn đã được nghe rất nhiều lần cụm từ: Vị trí, vị trí & vị trí. Vị trí ở đây chính là mặt bằng kinh doanh, là yếu tố được nhiều chuyên gia nhận định là quan trọng nhất cho việc phát triển một cửa hàng thành công.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong việc mở điểm bán cho các chuỗi cửa hàng nước ngoài tại Việt Nam, Tôi xin chia sẻ một vài kinh nghiệm nhỏ để giúp các bạn có thể đánh giá một bằng kinh doanh tốt nhằm tránh những sai lầm không đáng có.
1. Tầm nhìn
Yếu tố tầm nhìn được hiểu đơn giản là khả năng khách hàng nhận diện ra cửa hàng của bạn từ xa (bảng hiệu) khoảng cách ở đây các bạn có thể đứng cách mặt bằng 50m, 100m, 150m xem có thấy bảng hiệu của cửa hàng mình hay không?
Ngoài việc giúp khách hàng nhận diện ra cửa hàng thì một mặt bằng đẹp giúp cho cửa hàng bạn tăng độ nhận diện giúp nhiều khách hàng tiềm năng trong tương lai biết đến thương hiệu và cửa hàng của bạn.
Bạn có thể hiểu đơn giản như vầy nhé: Trên đường đi làm bạn thấy một cửa hàng ở một vị trí đẹp và thường xuyên thấy nó mỗi ngày vì nó quá nổi bật, điều đó làm bạn tò mò và rất có thể bạn sẽ lên mạng tìm hiều xem nó là thương hiệu gì, đến từ đâu và bán cái gì…và chuyện gì đến cũng sẽ đến vào một ngày đẹp trời bạn sẽ ghé vào cửa hàng đó và mua đồ của cửa hàng đó.
Nó giống như một cái mầm ươm vào trong tâm trí của bạn về thương hiệu mà bạn thấy mỗi ngày. Giờ khi thấy màu vàng đen thì bạn sẽ nghĩ ngay đến Thế giới di động, màu nâu đỏ bạn sẽ nhớ ngay đến Highland Coffee, màu xanh lá bạn nhớ ngay đến Starbuck.
2. Tiếp cận
-
Bãi để xe
Mặt bằng có bãi giữ xe rộng rãi để khách hàng đậu xe hay không? Yếu tố này rất quan trọng nhất là đối với những cửa hàng có khách hàng ngồi lại như quán cà phê, nhà hàng thì điều này vô cùng quan trọng. Nên các bạn làm cửa hàng cà phê thì nên lưu ý bãi đậu xe nhé!
-
Lề đường
Lề đường lối tấp vào cửa hàng có quá cao không? Nếu quá cao và khó tiếp cận sẽ gây cho khách hàng cảm giác sợ khi lái xe vào cửa hàng, nhất là đối với những khách hàng nữ vô cùng sợ điều này. Dù là một yếu tố nhỏ thôi nhưng nó sẽ làm cho khách hàng của bạn không vào cửa hàng vì sợ ngã khi chạy xe lên lề vào cửa hàng.
-
Đường 1 chiều
Khi lựa chọn điểm bán nằm ở đường 1 chiều thì ít nhiều lượng khách hàng tiềm năng của bạn cũng giảm đi kha khá vì khách hàng sẽ hạn chế mua do ngại quay đầu xe hoặc do dòng xe đông quá sẽ cuốn họ đi theo dòng xe đang di chuyển
-
Con lươn phía trước cửa hàng
Việc có con lươn ngay phía trước cửa hàng cũng gần giống như trường hợp đường 1 chiều làm cho khách hàng dễ bị trôi qua mà không nhận ra cửa hàng(thường các tuyến đường có con lươn hoặc 1 chiều thì tốc độ di chuyển cao hơn) và khi khách hàng đi qua rồi thì họ sẽ rất ngại khi quay đầu xe lại. Vì thế nếu cửa hàng bạn dự định mở ở ngay tuyến đường có con lươn thì bạn nên đặt cửa hàng ngay chỗ quay đầu để tiện cho khách hàng của bạn.
-
Nằm giao lộ điểm thường xuyên kẹt xe
Vị trí tại các điểm giao của các tuyến đường nhỏ, hẹp ngã tư…nơi có lượng lớn người qua lại thường xuyên gây ùn tắc.Tại những khu vực này khách hàng rất hạn chế ghé tới vì hay kẹt xe và khó dừng lại để ăn uống hay nghỉ ngơi. Ở Sài Gòn thì các bạn có thể thấy những giao lộ như: Trường Trinh-Âu Cơ, Trường Trinh- Tân Kỳ Tân Quý…
3. Tập trung
Trong kinh doanh ông bà ngày xưa hay nói câu ‘’Buôn có bạn bán có phường” . Câu nói trên được diễn giải rằng khi kinh doanh bạn phải tìm mặt bằng tại nơi có khách hàng của bạn hay lui tới.
Bạn phải cần tìm hiểu xem:
- Đối với mặt hàng của mình có phù hợp với khu vực đó hay không?
- Khách hàng có sẵn lòng chi trả cho mức giá sản phẩm bạn đưa ra không?
- Khách hàng có thường xuyên sử dụng sản phẩm của bạn?
Mình xin đưa ra một ví dụ để bạn dễ hiểu như sau: Bạn mở một cửa hàng cơm văn phòng thì điều đầu tiên là bạn phải cần trả lời là:
- Khu vực bạn dự định mở có đông dân văn phòng hay không?
- Mức chi tiêu của họ có cao hay không?
- Khách hàng có ăn mỗi ngày hay không?
Thêm một ví dụ nữa để giúp bạn hiểu rõ hơn là tại sao các cửa hàng tiện lợi lại thường tập trung tại các trường học, đại học, bệnh viên…vì khách hàng của họ ở đó. Nên đối với các bạn có định hướng mở chuỗi cửa hàng nên đưa ra cho doanh nghiệp của mình một tiêu chí khách hàng của bạn và luôn tự đặt câu hỏi: “Khách hàng của bạn ở đâu”.
4. Thu nhập
Mức giá khách hàng sẵn sàng chi trả cho bạn phụ thuộc vào thu nhập của khách hàng tại khu vực bạn mở cửa hàng. Như bạn biết bạn mua một ly cà phê quận 12 có giá 15-20k nhưng khi vào trung tâm quận nhất thì bạn phải trả mức giá cao hơn từ 30-50% so với ly cà phê tại quận 12 tùy vào mô hình quán.
Vì thế việc tìm hiểu mức sống và thu nhập của khách hàng tiềm năng của bạn rất là quan trọng để giúp bạn định giá được giá bán phù hợp. Có một cách đơn giản có thể giúp bạn đánh giá cơ bản mức sống và thu nhập của người dân tại khu vực bạn dự định mở cửa hàng là bạn có thể đi khảo sát các của hàng xung quanh, bạn có thể xem menu để biết mức giá bán của cửa hàng trong khu vực.
Ngoài ra để khảo sát sâu hơn nữa thì cần phải có đội chuyên đi khảo sát thực tế và sử dụng dữ liệu thống kê của các đơn vị chuyên nghiên cứu thị trường.
5. Hướng lưu thông
Điểm này có thể là 1 phần nhỏ trong phần Tập Trung nhưng mình thấy nó rất quan trọng nên mình đã tách riêng ra để giải thích cho các bạn hiểu rõ hơn.
Khách hàng của bạn có thể tập trung trong một khu vực nhưng việc hiểu được hướng họ thường xuyên lưu thông sẽ giúp bạn đặt đúng điểm mặt bằng sẽ giúp bạn đón được khách hàn, nó giống như bạn đặt cái giỏ để bắt cá nhưng các bơi hướng này mà bạn lại đặt hướng khác thì sẽ không bao giờ bắt được cá vì nó có bơi hướng đó đâu.
Một ví dụ thêm nữa để bạn hiểu hơn là tại các cổng trường học luôn có cổng chính và cổng phụ thì cổng chính luôn có lượng lớn các học sinh qua lại nên bạn thường thấy các thương hiệu chuỗi luôn đặt cửa hàng kế bên cổng chính hoặc đối diện.
Kết lại để giúp các bạn có thể nhớ và sử dụng 5 tiêu chí giúp chọn một điểm bán thành công tôi đã sáng tạo và đặt nó là công thức tìm điểm bán:
Công thức 4T1H
Đó là các chữ viết tắt đầu tiên của các tiêu chí. Và thêm một điều nữa bạn có thể đưa ra thang điểm để chấm điểm cho các yếu tố trên, chẳng hạn thang điểm như sau:
- Rất tốt: 5
- Tốt: 4
- Khá: 3
- Trung Bình: 2
- Tệ: 1
Qua đó giúp bạn đánh giá một điểm bán một cách nhanh nhất mà ngay cả những người mới làm cũng có thể chọn được điểm bán phù hợp. Nhưng để tìm được một mặt bằng kinh doanh thành công nó là cả một quá trình trải nghiệm thực chiến và kết hợp của nhiều yếu tố bao gồm:
- Vị trí
- Sản phẩm
- Dịch vụ của doanh nghiệp
Vì vậy bạn cần phân tích thật kỹ các yếu tố trên để đưa ra quyết định chính xác để tránh phải sai lầm và mình cũng hay thường nói vui với bạn bè trong nghề rằng “Tìm mặt bằng cũng giống như bắt một chuyến xe buýt nếu lỡ chuyến này thì mình chờ chuyến khác”.
Tôi hi vọng với kinh nghiệm và chia sẽ của tôi có thể giúp được các bạn nắm chắc kỹ năng và áp dụng thành công vào điểm bán của các bạn & không còn trường hợp thật bại chỉ vì lựa chọn sai điểm bán.
Cre: Phan Anh Minh – Co-Founder BDM Việt Nam
Bạn cần tư vấn về Marketing Online và triển khai mở rộng chuỗi điểm bán? Liên hệ Truyền thông TMS để được tư vấn nhé!