Một chiến lược phân phối mà các nhà sản xuất hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh thường sử dụng để giúp sản phẩm/dịch vụ của mình tiếp cận khách hàng nhanh nhất chính là phân phối độc quyền. Vậy thế nào là phân phối độc quyền và nó mang lại những lợi ích gì cho nhà sản xuất? Cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé!
Thế nào là phân phối độc quyền?
Định nghĩa
Phân phối độc quyền (Exclusive Distribution) là hình thức phân phối mà nhà sản xuất chỉ ủy quyền sản phẩm của mình đến một đơn vị phân phối duy nhất trong một khu vực địa lý nhất định. Đơn vị được ủy quyền sẽ trở thành nhà phân phối độc quyền của sản phẩm mà nhà sản xuất ấy cung cấp.
Với chiến lược này, nhà sản xuất có thể bảo vệ hình ảnh của mình và dễ dàng quản lý doanh nghiệp vì họ hạn chế được số lượng sản phẩm được mua tại các điểm bán trung gian.
Các ngành thường lựa chọn phân phối độc quyền
Trên lý thuyết, các sản phẩm thuộc mọi lĩnh vực đều có thể được phân phối độc quyền đến một nhà phân phối. Nhưng trên thực tế, những sản phẩm được phân phối thường chỉ tập trung vào những nhóm ngành có dây chuyền sản xuất tiên tiến sau đây:
- Ngành điện tử công nghệ cao (Máy tính, điện thoại, Tivi,…)
- Ngành may mặc (Quần áo nam nữ)
- Ngành chế tạo ô tô, các thiết bị lớn.
Ví dụ: FPTShop phân phối độc quyền sản phẩm điện thoại Poco X3 Pro của Xiaomi thì ngoài FPTShop, không còn đơn vị nào khác được quyền bán sản phẩm này.
Những lợi ích của chiến lược phân phối độc quyền là gì?
Tăng nhanh doanh số bán hàng và lợi nhuận
Thông qua việc phân phối độc quyền, các nhà sản xuất có thị trường để tiêu thụ sản phẩm của mình. Nếu sản phẩm đảm bảo về chất lượng thì các nhà phân phối sẽ đặt nhiều hàng hơn, và nhà sản xuất chỉ cần tập trung mọi nguồn lực để phát triển sản phẩm, từ đó thu về khoản lợi nhuận không hề nhỏ.
Thu hút sự quan tâm của khách hàng
Vì là đơn vị duy nhất nhập một số lượng hàng nhất định từ nhà sản xuất, nên nhà phân phối độc quyền sẽ có rất nhiều lợi thế trên thị trường kinh doanh. Đặc biệt là khả năng thu hút sự quan tâm của khách hàng nếu sản phẩm độc quyền có những tính năng nổi trội so với sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Để hỗ trợ tối đa cho việc thu hút khách hàng thì nhà phân phối độc quyền có thể triển khai chiến dịch marketing cho sản phẩm độc quyền tại các điểm bán thuộc hệ thống của mình.
Các bước xây dựng chiến lược phân phối độc quyền
Nghiên cứu thị trường mục tiêu
Trước khi ra mắt một sản phẩm mới hay lựa chọn hình thức phân phối thì nhà sản xuất cần phải nghiên cứu thị trường mục tiêu để hạn chế tối đa những rủi ro về tài chính.
Khi nghiên cứu thị trường mục tiêu, nhà sản xuất có thể xác định đâu là những khách hàng có khả năng chi tiền mua sản phẩm của mình tại các nhà phân phối, từ đó đưa ra chiến lược marketing phù hợp và sản xuất số lượng sản phẩm cụ thể để hàng được tiêu thụ hiệu quả, tránh bị tồn kho.
Lựa chọn nhà phân phối độc quyền
Đến với bước này, nhà sản xuất hãy dựa trên 4 tiêu chí sau đây để lựa chọn được đối tác phân phối độc quyền sản phẩm nhằm đảm bảo lợi nhuận cho mình:
- Có khả năng am hiểu về sản phẩm: Muốn phân phối và tiếp thị sản phẩm hiệu quả, nhà phân phối phải hoạt động cùng lĩnh vực với sản phẩm độc quyền được phân phối để có khả năng am hiểu tường tận về sản phẩm.
- Có khả năng tài chính: Nhà phân phối phải có đủ khả năng tài chính để nhập hàng, trữ hàng và triển khai các chiến lược marketing cho sản phẩm độc quyền.
- Có uy tín trên thị trường: Một nhà phân phối có uy tín trên thị trường chính là cơ sở để nhà phân phối ấy được khách hàng ủng hộ nhiệt tình khi giới thiệu sản phẩm độc quyền ra thị trường.
- Có năng lực quản lý: Nhà phân phối chuyên nghiệp phải đảm bảo có hệ thống thông tin và tin học quản lý đủ mạnh để chăm sóc khách hàng, cũng như có khả năng thực hiện các báo cáo kiểm kê và các yêu cầu của nhà sản xuất.
Theo dõi và quản lý các kênh phân phối
Một chiến dịch phân phối độc quyền muốn diễn ra suôn sẻ thì nhà sản xuất và nhà phân phối cần phối hợp với nhau để liên thục theo dõi và quản lý hoạt động của các kênh phân phối sản phẩm. Tất cả nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những rủi ro phát sinh, tránh gây ảnh hưởng đến chiến dịch phân phối và doanh thu của cả hai.
Như vậy thông qua bài viết này, Truyền thông TMS đã giới thiệu đến các bạn những điều cần biết về chiến lược phân phối độc quyền. Nếu như côn bất kỳ thắc mắc nào, các bạn hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp nhé!
Xem thêm:
Các loại chiến lược kinh doanh có thể đem lại thành công cho bạn